Thứ Sáu, 14 tháng 1, 2011

Văn hóa chính trị Việt Nam trong thời kỳ đổi mới

“Chính trị là một lĩnh vực hoạt động rộng lớn và hết sức quan trọng, nó quyết định vận mệnh của đất nước và sự phát triển của xã hội và con người. Trình độ xử lý các tình huống chính trị một cách khoa học và nghệ thuật không chỉ đem lại sự độc lập và ổn định chính trị mà còn là điều kiện cho việc phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, phát triển con người, xây dựng và phát triển đất nước. Bản chất chính trị, lý tưởng chính trị, trình độ hoạt động chính trị hướng tới một xã hội nhân đạo, nhân văn, tất cả vì sự phát triển và tiến bộ của xã hội và con người, nói lên văn hóa chính trị của một nền chính trị” [1].
1. Văn hóa chính trị được hiểu thế nào?
Văn hoá chính trị, với tư cách là một loại hình của văn hoá là khái niệm nói về sự thẩm thấu của văn hoá vào chính trị, là chính trị có tính văn hoá. Như vậy, văn hoá chính trị không phải là bản thân chính trị, bản thân văn hoá, hay là sự cộng gộp giản đơn hai lĩnh vực này, mà đó là chính trị bao hàm tính văn hoá từ bản chất bên trong của nó. Biểu hiện của văn hoá chính trị thể hiện ở hai phương diện cơ bản:
Một là, chính trị với ý nghĩa là chính trị dân chủ, tiến bộ phải hướng tới mục đích cao nhất là vì con người, giải phóng con người, tôn trọng quyền con người, tạo điều kiện cho con người phát triển tự do, toàn diện, hài hoà. Đây là tính nhân văn sâu sắc của một nền chính trị có văn hoá.
Hai là, những tư tưởng chính trị tốt đẹp không phải là những ý niệm trừu tượng mà phải thiết thực, cụ thể, có khả năng đi vào cuộc sống. Nghĩa là nó phải thấu triệt trong hệ tư tưởng chính trị, thể hiện qua đường lối chính sách của đảng cầm quyền và nhà nước quản lý, trong ứng xử và trong việc triển khai các kế hoạch cụ thể nhằm phát triển xã hội và phục vụ cuộc sống của cá nhân cũng như của cộng đồng xã hội.
Văn hoá chính trị làm cho sự tác động của chính trị đến đời sống xã hội giống như sức mạnh của văn hoá. Đó là loại sức mạnh không dựa vào quyền lực hay ép buộc mà thông qua cảm hoá, khơi dậy tinh thần sáng tạo, ý thức tự giác của các tầng lớp xã hội. Việc xây dựng văn hoá chính trị phải chú trọng đồng thời cả ba phương diện: giá trị xã hội được lựa chọn, năng lực chính trị và trình độ phát triển về văn hóa chính trị của chủ thể chính trị.
2. Những yếu tố làm nên nét đặc sắc của văn hoá chính trị Việt Nam
Một là, về lịch sử, văn hoá chính trị Việt Nam được hình thành và phát triển trong quá trình hình thành ý thức dân tộc, quốc gia, kết tinh thành truyền thống dựng nước và giữ nước của các thế hệ người Việt Nam. Ý thức độc lập dân tộc, tự lực tự cường, tinh thần yêu nước, đoàn kết cộng đồng đã trở thành nội dung bền vững mang tính truyền thống của văn hoá chính trị Việt Nam.
Hai là, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, nền văn hiến quốc gia, tinh thần yêu nước, đoàn kết, phát huy nội lực, sức mạnh của mọi tầng lớp nhân dân, gắn liền với việc coi trọng, tôn vinh hiền tài đã tạo nên sức sống của văn hoá chính trị, và, khả năng phát huy những truyền thống, giá trị tốt đẹp đó của dân tộc đã tạo nên “độ cao” của văn hoá chính trị.
Ba là, tôn trọng đạo lý, tôn trọng chính nghĩa, bảo vệ công lý, quật cường dân tộc, nhưng nhân ái, khoan dung, độ lượng, vị tha. Những nét đẹp đó đã tác động, ảnh hưởng, làm cho văn hóa chính trị Việt Nam mang tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc.
Bốn là, do đặc điểm của địa chính trị nước ta, nên văn hoá chính trị Việt Nam có nột nét nổi bật là phải sáng tạo. Nhờ khả năng sáng tạo mà bản sắc văn hoá dân tộc dã được giữ vững và phát triển qua các thời kỳ. Đặc biệt, tính sáng tạo này càng thể hiện rõ nét khi đất nước, dân tộc đứng trước những thời điểm khó khăn, quyết định vận mệnh của dân tộc. Chính nét sáng tạo ấy đã đem lại một tầm vóc, một vẻ đẹp văn hoá của nền chính trị Việt Nam.
Bên cạnh những nét đẹp đó, cũng cần nhận thấy rằng, do nước ta xuất phát là một nước nông nghiệp lạc hậu, lại trải qua quá nhiều các cuộc chiến tranh giữ nước, vì thế những yếu tố như tâm lý tiểu nông khá đậm, kinh nghiệm chủ nghĩa, triết lý chung chung, thiếu tính khách quan và cơ sở khoa học vững chắc, dễ hài lòng với mình, tâm lý chạy theo thành tích, “bệnh” hình thức..., nếu như không được hạn chế, khắc phục kịp thời, sẽ có tác động tiêu cực, bào mòn dần sức sống và khả năng sáng tạo của văn hoá chính trị Việt Nam.
3. Văn hóa chính trị thể hiện trong sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam
Xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là mục tiêu mang đậm tính văn hóa chính trị nhân văn sâu sắc, mà đất nước ta, nhân dân ta vươn tới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng duy nhất cầm quyền ở nước ta.
Nét văn hóa chính trị trong sự lãnh đạo của Đảng được thể hiện ở các khía cạnh sau:
Thứ nhất, về lựa chọn giá trị, Đảng ta khẳng định để xây dựng nền văn hóa chính trị Việt Nam tiên tiến, hiện đại, cần kế thừa các giá trị văn hóa chính trị truyền thống tốt đẹp được kết tinh qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, kế thừa các giá trị văn hóa chính trị tinh hoa của các nước trên thế giới, trên cơ sở lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động. Chính vì cách lựa chọn giá trị như vậy nên trong bối cảnh các nước xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ vào thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX, Đảng ta vẫn kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đồng thời chủ trương thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước. Đảng cũng khẳng định chúng ta “đổi mới” nhưng tuyệt đối không "đổi màu". Bản chất nền chính trị của chúng ta là khoa học, cách mạng, dân chủ và nhân văn. Đó là nền chính trị phấn đấu vì hạnh phúc của nhân dân, hướng tới mục đích "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh". Mục tiêu ấy không chỉ phù hợp với nguyện vọng của đông đảo nhân dân Việt Nam, của lý tưởng xã hội xã hội chủ nghĩa, mà còn là mục tiêu cao đẹp mà nhân loại tiến bộ hướng tới.
Thứ hai, trong đường lối xây dựng và phát triển kinh tế, Đảng chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Việc xây dựng một nền kinh tế thị trường là một tất yếu kinh tế khách quan, bởi kinh tế thị trường kích thích sự phát triển kinh tế, phát huy sức sản xuất, khơi dậy tính năng động, sáng tạo của con người, tính hiệu quả trong việc sử dụng hợp lý các nguồn lực...Tuy nhiên, kinh tế thị trường cũng có rất nhiều mặt trái, đó là sự cạnh tranh tàn khốc “cá lớn nuốt cá bé"; tạo ra sự bất công, bất bình đẳng, phân hóa giàu nghèo, phân cực trong xã hội; khai thác cạn kiệt môi trường, tài nguyên vì mục tiêu lợi nhuận kinh tế thuần túy; làm băng hoại nhiều giá trị đạo đức tốt đẹp; làm quan hệ con người với con người trở nên sòng phẳng, lạnh lùng hơn; làm phai nhạt những giá trị văn hóa truyền thống... Việc Đảng ta xác định xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chính là để khắc phục những hạn chế vốn có của nền kinh tế thị trường. Đây là khía cạnh văn hoá của tăng trưởng kinh tế: tăng trưởng phải gắn liền với việc đảm bảo quyền lợi của đa số nhân dân lao động, với tiến bộ và thực hiện công bằng xã hội.
Thứ ba, trong việc xây dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Việc khẳng định quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân đã được ghi trong Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam 1992. Văn kiện Đại hội lần thứ IX của Đảng chỉ rõ: "Nhà nước ta là công cụ chủ yếu để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, là Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Quyền lực của nhà nước là thống nhất là của dân, không phân chia nhưng có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật. Mọi cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, mọi công dân có nghĩa vụ chấp hành Hiến pháp và pháp luật" [2]. Việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta là hợp quy luật phát triển của lịch sử vì "suy cho cùng chính là nhằm thực hiện dân chủ. Pháp luật của Nhà nước ta luôn luôn là công cụ mạnh mẽ và có hiệu lực đối với việc dân chủ hoá mọi mặt của đời sống xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá - xã hội..." [3].
Tinh thần dân chủ trong tư duy chính trị của Đảng được thể hiện rất rõ ở tư tưởng lấy “dân làm gốc”, và, “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Một nền chính trị nhân văn phải là nền chính trị tôn trọng quyền lợi của đa số nhân dân, thực sự do dân làm chủ, nhà nước là cơ quan được ủy quyền để thực thi quyền lực nhân dân, để thực hiện lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Những bước tiến trong nhận thức lý luận và tư duy chính trị của Đảng được thể hiện rõ trong hàng loạt các văn kiện ban hành trong thời kỳ đổi mới. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) đã chính thức sử dụng khái niệm "hệ thống chính trị". Hệ thống chính trị của chúng ta được vận hành theo cơ chế: "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ".
Để tăng cường vai trò của Nhà nước và sự nghiêm minh của pháp luật, Nhà nước đã ban hành nhiều luật khác nhau, nhằm làm cho mọi người sống và làm việc theo pháp luật. Chủ trương cải cách bộ máy hành chính, trưng cầu ý kiến rộng rãi của nhân dân, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội chính là những bước tiến đáng chú ý của văn hoá chính trị trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.
Thứ tư, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ quốc tế. Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác. Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực. Phát triển quan hệ với tất cả các nước, các vùng lãnh thổ trên thế giới và các tổ chức quốc tế theo các nguyên tắc: tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực; giải quyết các bất đồng và tranh chấp thông qua thương lượng hòa bình; tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và cùng có lợi. Với đường lối và chính sách đối ngoại rộng mở đó đến nay, chúng ta đã thiết lập quan hệ kinh tế - thương mại với trên 170 quốc gia, nền kinh tế, đã ký kết khoảng 60 hiệp định kinh tế - thương mại song phương, trong đó có toàn bộ các nước, nền kinh tế phát triển, thị trường lớn. Chúng ta ngày càng hoạt động tích cực và hiệu quả, nâng cao vị thế đất nước trong các thể chế hợp tác quốc tế.
Thứ năm, xác định “xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt”. Để lãnh đạo đất nước nắm bắt cơ hội, vượt qua khó khăn, đạt được mục tiêu cao cả đã đề ra, Đảng - người lãnh đạo đất nước, phải có một đội ngũ cán bộ có văn hóa chính trị cao, có trình độ và khả năng thực hiện các nội dung chính trị một cách văn hóa. Chính vì thế, Đảng luôn tiến hành đổi mới và chỉnh đốn Đảng, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, giữ vững sự đoàn kết và uy tín của Đảng trong nhân dân. Bản chất văn hoá chính trị tiến bộ cũng xa lạ với tệ quan liêu, tham nhũng, xa hoa, lãng phí. Trong những năm đổi mới vừa qua, Đảng ta đã tiến hành đổi mới và chỉnh đốn Đảng, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, giữ vững sự đoàn kết và uy tín của Đảng, củng cố, và giữ vững niềm tin trong nhân dân. Văn kiện Đại hội VII của Đảng khẳng định: "Đảng ta coi việc tự đổi mới, tự chỉnh đốn và nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng là yêu cầu quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng, là công việc thường xuyên bảo đảm cho Đảng ta luôn ngang tầm nhiệm vụ cách mạng" [4].
Tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân, coi trọng phản biện xã hội, mở rộng dân chủ trong tất cả các lĩnh vực, xây dựng và từng bước hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa... đã tạo nên những tiền đề, động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp đổi mới ở nước ta ngày càng tiến triển mạnh mẽ.
Phát huy những thành tựu đã đạt được, vượt qua những khó khăn, thách thức trong quá trình hội nhập quốc tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, thực hiện tốt an sinh xã hội, giải quyết những tồn đọng, những vấn đề gây bức xúc trong dân hiện nay..., sẽ là những yếu tố quan trọng để nâng cao hơn nữa tính văn hóa chính trị trong sự lãnh đạo của Đảng,để Đảng xứng đáng với tên gọi: "Đảng ta là đạo đức, là văn minh”./.

Phạm Huy Kỳ
TS, Học viện Báo chí và Tuyên truyền

________________________________________
[1] Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, "Bước đầu tìm hiểu những giá trị văn hóa chính trị truyền thống Việt Nam", ngày 28-4-2009.

[2] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb CTQG, H, 2001, tr.31-32.
[3] Nguyễn Duy Quý: Đổi mới tư duy và công cuộc đổi mới ở Việt Nam, Nxb KHXH, H, 2008, tr.143.
[4]] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Sự thật, H., 1991, tr.128-129

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét