Thứ Sáu, 14 tháng 1, 2011

VĂN HÓA CHÍNH TRỊ TRUYỀN THỐNG VIÊT TRONG TÁC PHẨM "VĂN HÓA CHÍNH TRỊ VIÊT TRUYỀN THỐNG VÀ HIÊN ĐẠI" CỦA NGUYỄN HỒNG PHONG

Đây là công trình nghiên cứu tổng kết có tính chất chiến lược Chương trình Khoa học Công nghệ cấp Nhà nước KXO6 "Văn hóa, văn minh vì sự phát triển và tiến bộ xã hội" do cố giáo sư Nguyễn Hồng Phong làm chủ nhiệm. Văn hóa chính trị truyền thống Việt là một đề tài quan trọng của công trình.

VĂN HÓA CHÍNH TRỊ TRUYỀN THỐNG VIÊT TRONG TÁC PHẨM "VĂN HÓA CHÍNH TRỊ VIÊT TRUYỀN THỐNG VÀ HIÊN ĐẠI" CỦA NGUYỄN HỒNG PHONG


Đây là công trình nghiên cứu tổng kết có tính chất chiến lược Chương trình Khoa học Công nghệ cấp Nhà nước KXO6 "Văn hóa, văn minh vì sự phát triển và tiến bộ xã hội" do cố giáo sư Nguyễn Hồng Phong làm chủ nhiệm. Văn hóa chính trị truyền thống Việt là một đề tài quan trọng của công trình.
Kết thúc Phần một bàn về Văn hóa chính trị trong xã hội Việt Nam truyền thống phương Đông Khổng giáo, tác giả chỉ đích danh Khổng giáo "là một tác nhân văn hóa đã gây trở ngại, kìm hãm làm chậm sự phát triển" (xem tr. 135), nhưng mở đầu phần này là những trang viết rất hay về những truyền thống tốt đẹp của Khổng giáo nguyên thủy, những truyền thống này hẳn là đã thấm vào tâm thức người Việt những thế kỷ trước và trong tâm thức người Việt hiện đại không thể nói là đã mai một hoàn toàn. Trước nghịch lý này, một câu hỏi được đặt ra: phải chăng cái Khổng giáo mà tác giả lên án là Tân Khổng giáo (Hán Nho, Tống Nho) rất khác với Khổng giáo nguyên thủy đã từng được Phan Chu Trinh ca ngợi và bẵng đi một thời gian rất dài, những năm gần đây mới được một số học giả quan tâm.


Phân tích ảnh hưởng lớn và lâu dài của Khổng giáo nguyên thủy tới văn hóa chính trị truyền thống ở Việt Nam, tác giả nhấn mạnh những truyền thống nhân văn, dân chủ mà những tư tưởng tiêu biểu là: nhân nghĩa; lòng dân là ý trời; dân là quý; dân là gốc nước; vua là thuyền, dân là nước, nước chở thuyền, nhưng nước cũng làm đắm thuyền... Một khi không phải vua quan mà dân mới là quyền lực tuyệt đối, có thể nói đến một tư tưởng "sợ dân" như một nét đặc thù của tư tưởng Nho giáo "mà ở châu Âu hoặc ở các nền văn hóa khác ngoài Nho giáo không thấy có tư tưởng này" (tr.24)
Từ ngàn xưa xã hội Việt là một xã hội phương Đông. "...chìa khóa của chế độ phương Đông, đó là việc không có chế độ tư hữu ruộng đất" (Lê Nin) (xem tr. 48). Không phải ngẫu nhiên tác giả đã dành cả một chương (Ch. II) để nghiên cứu sự biến đổi của tương quan giữa quốc gia-công hữu (tức là sở hữu nhà nước và sở hữu công xã) và tư hữu về ruộng đất trong xã hội Việt suốt thời trung đại. Những thế kỷ đầu thời kỳ độc lập, sở hữu nhà nước và sở hữu công xã (gộp lại và gọi tắt là quốc gia-công hữu) về ruộng đất chiếm ưu thế. Do những kẽ hở của chế độ sở hữu này,tư hữu (tức là sở hữu tư nhân) về ruộng đất hình thành và phát triển. Tác giả nêu lên hai đợt tư hữu hóa ruộng đất trong lịch sử trung đại Việt .


1. "Đến đầu thế kỷ XIII, dưới thời Trần Thái Tông, nhà nước quý tộc ban hành những chính sách nhằm khẳng định quyền tư hữu ruộng đất, cho phép phát triển chế độ tư hữu ruộng đất. Đó là điều lệnh năm 1254 cho bán ruộng công làm ruộng tư "mỗi diện ruộng là 5 quan tiền cho nhân dân mua làm của tư" ..." (tr.62)


2. "Trong chính sách quan điền đời Lê sơ, quý tộc từ tước vương cho đến tước bá, ngoài phần được cấp ruộng đất được hưởng một đời, có phần được cấp vĩnh viễn. Ví dụ cao nhất là thân vương được cấp 1.530 mẫu ruộng dể thu tô thuế một đời và 600 mẫu ruộng thế nghiệp (H.N.H.tô đậm) làm tư sản vĩnh viễn. Tước bá ruộng thế nghiệp là 200 mẫu. Nói chung ruộng thế nghiệp chiếm 25% số ruộng được phong cấp" (tr.81)

Những quá trình tư hữu hóa ruộng đất một mặt có tác động giải thể sở hữu công xã, mặt khác góp phần phát triển sở hữu tiểu nông và kinh tế tiểu nông.
Tác giả đưa ra một nhận định quan trọng về khuynh hướng tư hữu ruộng đất ở Việt thời trung đại:


"Thực ra, khuynh hướng tư hữu ruộng đất nói chung cũng như khuynh hướng phát triển sở hữu lớn về ruộng đất đã không phát triển theo hướng đi lên, tập trung ruộng đất tuyệt đối như thời kỳ phong kiến hóa ruộng đất ở châu Âu... Ở đây sự tập trung ruộng đất lại theo quy luật: tập trung-phân tán-rồi lại tập trung-phân tán".


Tác giả đã chỉ ra hai nguyên nhân tác động tới khuynh hướng này:
1 "Các làng xã... ngăn trở và chống lại sự phát triển chế độ sở hữu lớn về ruộng đất". (tr.89). Làng xã bảo vệ ruộng công, bảo vệ những loại ruộng không bao giờ có thể mua bán chuyển nhượng, ví dụ ruộng hậu thần, hậu Phật.
2 "Nhà nước đã hạn chế sự phát triển địa chủ tư nhân về ruộng đất" (tr.89). Tác giả nêu ra hai đợt quốc hữu hóa do nhà nước phong kiến chủ trì mà tác động là sự kìm hãm, gây trở ngại cho khuynh hướng phát triển tư hữu về ruộng đất theo chiều hướng đi lên, tập trung ruộng đất quy mô lớn.
- Năm 1397, Hồ Quý Ly lập phép hạn điền "nhằm tước bỏ sở hữu lớn của quý tộc địa chủ", "chỉ còn lại ruộng của tiểu nông bao gồm cả phú nông" (xem tr.74)


- "Vào đầu thế kỷ XIX, nhà Nguyễn sau khi thiết lập được sự thống trị của mình trên đất nước thống nhất, liền thực hiện hàng lọat chính sách nhằm khôi phục chế độ sở hữu nhà nước và chế độ sở hữu ruộng đất công" (tr.90)
Do hai nguyên nhân nói trên - cũng phải kể thêm một nguyên nhân nữa là "chế độ chia gia tài đều cho con trai và con gái" - trong lịch sử trung đại Việt Nam, chế độ tư hữu ruộng đất tuy có phát triển nhưng phát triển một cách ỳ ạch, tâm tịt và kèm theo, ý thức tư hữu về ruộng đất có thức tỉnh nhưng thức tỉnh một cách nửa vời. Sự thức tỉnh nửa vời này phản ánh một thực trạng hệ tư tưởng và pháp lý-cũng là một thực trạng văn hóa - của xã hội Việt Nam truyền thống: "Trên nguyên lý và theo truyền thống quyền sở hữu tối cao về ruộng đất toàn quốc thuộc về nhà nước, đứng đầu là nhà vua, quyền sở hữu tư nhân về ruộng đất là thiêng liêng, bất khả xâm phạm chưa bao giờ được xác nhận trên pháp luật Việt Nam." (tr.91)


Phải chăng tình trạng phát triển ỳ ạch, tậm tịt của chế độ tư hữu ruộng đất và thức tỉnh nửa vời của ý thức tư hữu ruộng đất là chìa khóa để hiểu xã hội phương Đông truyền thống và "phương thức sản xuất châu Á"? Phải chăng tình trạng này là nguyên nhân sâu xa của sự trì trệ của xã hội Việt truyền thống những thế kỷ cuối thời trung đại, đặc biệt sang thế kỷ XIX khi đứng trước âm mưu xâm lược của đế quốc phương Tây? Tôi đặt ra những câu hỏi này nhân đọc bài báo Sự thức tỉnh vĩ đại của Latous, một học giả Pháp, trong đó sự xuất hiện của ý thức về tư hữu được xem xét như một "sự thức tỉnh vĩ đại", nó đã, "trở thành tác nhân kích thích mang tính xã hội lớn lao đối với sự phát triển". Tư hữu là một trong những nghịch lý lớn của nhân loại. Tác giả bài báo đã triển khai xuất sắc một ý tưởng của Mác: mặt trái của tư hữu bộc lộ ngày càng trầm trọng, đó là khủng hoảng, lãng phí, thất nghiệp... thế nhưng không thể phủ nhận công lao to lớn của nó trong lịch sử tiến hóa nhân loại. Tôi đặc biệt chú ý luận điểm sau đây trong bài báo:

... Ở phương Đông sự thức tỉnh diễn ra sớm hơn, có lẽ khoảng 6000 năm trước hoặc trước nữa. Điều này đã cho phép xã hội phương Đông đạt được những thành tựu vượt bực so với phương Tây. Tuy nhiên do sự thức tỉnh ở khu vực này mang tính chất nửa vời (tôi tô đậm H.N.H.), biểu hiện ở sự duy trì công hữu về ruộng đất, thứ tư liệu sản xuất quan trọng nhất, cho đến tận thế kỷ XIX, vì thế phương Đông đã không thể đi nhanh được. Ngược lại, sự thức tỉnh ở phương Tây diễn ra muộn hơn nhiều, nhưng lại triệt để (tôi tô đậm H.N.H.) hơn. Ở phương Tây ngay từ thời cổ đại ruộng đất đã dựa trên cơ sở tư hữu. Sở hữu tư nhân về ruộng đất đã thúc đẩy việc tăng năng suất, cải tiến nông cụ, đẩy mạnh sự phân công lao động, và từ đó là trao đổi, thương mại. Tất cả những điều đó cuối cùng làm phân chia giai cấp ngày càng sâu sắc và thúc đẩy sự ra đời của chủ nghĩa tư bản. Vì thế phương Tây đã đi nhanh hơn và cục điện thế giới từ vài thế kỷ trở lại đây nghiêng hẳn về phương Tây. Tuy vậy, cuối thế kỷ XX đã xuất hiện những nhân tố mới. Phương Đông, khởi đầu là Nhật Bản, bắt đầu nhận thấy thiếu sót trong nhận thức của mình. Và lần thức tỉnh thứ hai này đã đem lại cho châu Á một làn sóng thứ hai của sự phát triển... (số Tạp chí đã dẫn, tr.25).


Làng Việt được tác giả khẳng định như một hiện tượng nổi bật của văn minh Việt và lịch sử văn minh.

Đặc trưng của văn minh Việt là Làng-nước (làng-nước chứ không phải là nước-nhà như Trung Hoa).

Nếu quốc gia Hy Lạp cổ đại là liên minh của những đô thị thì quốc gia Việt là liên minh của những làng xã.


Các làng xã làm nông nghiệp, các làng xã cũng làm công nghiệp và thương nghiệp. Trong làng không chỉ có nông, có cả công, thương, sĩ. (xem tr.98, 99)
Làng Việt truyền thống thuộc kiểu "làng công xã" (nông nghiệp)
Tác giả nhấn mạnh thế nhị nguyên của làng công xã thể hiện trên hai mặt: cá nhân và cộng đồng, chung và riêng.


Những cái chung là: ruộng đất công, là lãnh thổ làng với lũy tre bao bọc, là việc chống cướp, chống thiên tai và hàng loạt nghĩa vụ liên đới trách nhiệm khác.
Những cái riêng là: ngôi nhà và tài sản riêng của gia đình cá thể, là phần ruộng được chia "mà cá nhân làm chủ và ra sức khai thác giữa hai kỳ phân chia lại, đó là cái bờ ruộng có thể được làm rộng ra, là nước có thể tháo riêng cho vào ruộng hoặc để bắt cá...", cái riêng còn được phát huy nhờ nỗ lực cá nhân "có học vị, chức tước phẩm hàm hay tài sản để leo lên các thang bậc cao trong làng..." (xem tr.132, 133)


Tính nhị nguyên của làng xã "đã tạo nên tính hai mặt của tính cách con người tiểu nông Việt Nam... vừa vị tha, có tinh thần cộng đồng, đoàn kết, tương trợ, đồng thời hay kèn cựa, hiếu danh, tư lợi" (tr.133)

Trong quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng, giữa chung và riêng tác giả có một nhận xét lý thú về một "điệu múa" khá quen thuộc và phổ cập, đó là "điệu múa" "vẫy vùng để biến chung thành riêng, để ngoi lên vị trí cao hơn trong xã hội làng".


Chương 7 phần một Tác nhân văn hóa của sự chậm phát triển là một chương quan trọng. Đặt vấn đề: Việt hội đủ những tác nhân kinh tế để phát triển (tài nguyên nông nghiệp tương đối phong phú, lực lượng lao động dồi dào, cần cù, tỷ lệ người biết chữ rất lớn...) vì sao kinh tế lạc hậu trì trệ? tác giả đưa ra hướng nghiên cứu: phải giải thích sự lạc hậu của nền kinh tế Việt là ở trong văn hóa (tr.135).


Và đã chỉ ra đích danh:


"Khổng giáo... là một tác nhân văn hóa đã gây trở ngại, kìm hãm làm chậm sự phát triển".


Trong xã hội Việt trung đại, nhân vật trung tâm đứng đầu bảng xã hội là sĩ. Và "sĩ ở đây là quan lại". Xã hội phân thành hai tầng lớp chính : quan và dân. Vì nhà nước (vua chúa, quan lại) "chiếm toàn bộ thặng dư của người lao động, cho nên trong xã hội Việt cũng như trong xã hội Trung Quốc cũ, quan là tầng lớp duy nhất có thế lực" (tr'135). Vì vậy, các gia đình trung lưu đều đầu tư vào con đường đi học để làm quan. Giáo dục khoa cử Nho giáo chủ yếu đào tạo những người làm quan, không đào tạo chuyên gia. Một xã hội công kỹ bị coi là mạt nghệ, thương bị khinh rẻ, lại thiếu hụt chuyên gia... làm sao kinh tế phát triển được?


Một nguyên nhân khác được tác giả nêu lên cũng nằm trong văn hóa :
"Lớp trung lưu - lực lượng chủ yếu trong xã hội đã không đóng được vai trò động lực thúc đẩy sự phát triển. Lối sống "tiêu dùng" của xã hội cộng đồng Khổng giáo đã làm cho lớp người này phung phí của cải tích lũy trong những ma chay, cưới xin giỗ chạp, cúng bái, hội hè, thết đãi chè chén (tr.137).
"Tóm lại, nguồn gốc của sự nghèo khổ là nằm trong văn hóa" (tr.137), đây là câu kết luận của chương này.


HOÀNG NGỌC HIẾN


(nguồn: TCSH, 1.1999)


------------------------------------------
* Nguyễn Hồng Phong - Văn hóa chính trị Việt , truyền thống và hiện đại - Trung tâm nghiên cứu và tư vấn về phát triển & NXB Văn hóa Thông tin - Hà Nội 1998.
* Sự thức tỉnh vĩ đại - Lotous, bản dịch của Ngô Tự Lập, tạp chí tia sáng số 10/1998.

Chính sách Tôn giáo của Nhà nước Việt Nam là Đoàn kết, hoà hợp dân tộc, tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng

Đoàn kết tôn giáo, hoà hợp dân tộc, tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo là những nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về tín ngưỡng, tôn giáo.

1- Chủ tịch Hồ Chí Minh với tín ngưỡng, tôn giáo.

Đoàn kết tôn giáo, hoà hợp dân tộc, tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo là những nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về tín ngưỡng, tôn giáo.

Hồ Chí Minh cho rằng: "Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó"(1). Đoàn kết toàn dân, trong đó có đoàn kết dân tộc và tôn giáo là yếu tố cơ bản đưa tới thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Tư tưởng ấy nằm trong chiến lược đại đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh.

Với tinh thần đoàn kết lương giáo, hòa hợp dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập hợp được đông đảo chức sắc, tín đồ các tôn giáo hết lòng phấn đấu cho sự nghiệp cứu nước, kiến quốc, từ đó xóa dần những định kiến, mặc cảm do lịch sử để lại và âm mưu chia rẽ tôn giáo của các thế lực thù địch.

Hồ Chí Minh cho rằng, đoàn kết lương giáo là đoàn kết lâu dài và toàn diện, là vấn đề chiến lược. Thái độ chân tình, cởi mở, bao dung và luôn thấu hiểu nỗi trăn trở, suy tư của đồng bào của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng tín đồ các tôn giáo.

Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo và công bố trước toàn dân ngày 2-9-1945 đã kế thừa và phát triển những giá trị của những tư tưởng tiến bộ về quyền con người trong các cuộc cách mạng dân chủ tư sản. Chỉ sau một ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 3-9-1945 Hồ Chí Minh đã chủ tọa phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ. Trong phiên họp này, Chủ tịch đã nêu sáu vấn đề cấp bách cần giải quyết, trong đó vấn đề thứ sáu là thực hiện "tín ngưỡng tự do và Lương Giáo đoàn kết"(2).

Ngày 9-11-1946, Quốc hội khóa I đã thông qua Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong đó ghi nhận: Nhân dân có quyền "tự do tín ngưỡng". Ngày 14-6-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 234/SL quy định những hoạt động tôn giáo trong chế độ mới, được đồng bào theo và không theo tôn giáo nhiệt liệt hoan nghênh và ủng hộ.

Năm 1958, khi trả lời câu hỏi của các cử tri Hà Nội: "Tiến lên chủ nghĩa xã hội thì tôn giáo có bị hạn chế không?", Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa nhắc lại thái độ của người cộng sản đối với tôn giáo: "Không. ở các nước xã hội chủ nghĩa, tín ngưỡng hoàn toàn tự do. ở Việt Nam ta cũng vậy"(3). Người cũng nêu rõ những giá trị đạo đức và văn hóa nhất định của tôn giáo:

"Chúa Giê-su dạy: Đạo đức là bác ái.

Phật Thích Ca dạy: Đạo đức là từ bi.

Khổng Tử dạy: Đạo đức là nhân nghĩa"(4).

Chính những quan điểm đúng đắn ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội và tôn giáo đã bác bỏ luận điệu tuyên truyền rằng: Chủ nghĩa xã hội không phù hợp với nền văn minh Ki-tô giáo; chủ nghĩa xã hội hạn chế, thậm chí không chấp nhận chung sống với tôn giáo… và giải toả nỗi lo lắng, ngờ vực trong cộng đồng Công giáo khi bước vào công cuộc xây dựng xã hội mới.

Hồ Chí Minh thường nhắc nhở đồng bào và chiến sĩ cả nước phải "quan tâm, chăm sóc cuộc sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các tôn giáo. Mong sao sản xuất ngày càng phát triển, phần xác ta được ấm no thì phần hồn cũng được yên vui"(5).

Hồ Chí Minh coi tôn giáo là một yếu tố cấu thành và là di sản văn hoá của nhân loại. Có được sự nhìn nhận ấy phải là con người đã trải qua một quá trình trải nghiệm trong thực tiễn cách mạng và sự am hiểu các tôn giáo một cách tường tận, để khái quát, chắt lọc những giá trị tinh tuý của nó nhằm tiếp thu, kế thừa.

Tôn trọng, chấp nhận sự khác biệt về nhận thức, tư tưởng; tìm ra và phát huy điểm tương đồng, mẫu số chung về mục tiêu, lý tưởng tốt đẹp để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ cao cả của dân tộc luôn được Hồ Chí Minh chú ý.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu mối quan hệ chặt chẽ giữa tôn giáo với dân tộc một cách giản dị, dễ hiểu nhưng rất độc đáo và sâu sắc: kính Chúa gắn liền với yêu nước, phụng sự Thiên chúa và phụng sự Tổ quốc, nước có vinh thì đạo mới sáng, nước có độc lập thì tín ngưỡng mới được tự do.

Theo quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đối với người có tôn giáo thì đức tin tôn giáo và lòng yêu nước không hề mâu thuẫn. Một người dân Việt Nam có thể vừa là một người dân yêu nước, đồng thời cũng vẫn là một tín đồ chân chính.

Tôn giáo với dân tộc bao giờ cũng được Hồ Chí Minh xem xét và giải quyết trên tinh thần của khối đại đoàn kết toàn dân. Tôn giáo chỉ có thể khẳng định được mình khi sống giữa lòng dân tộc và dân tộc trên con đường phát triển cần biết phát huy những giá trị tích cực của các tôn giáo.

Hồ Chí Minh luôn tỏ lòng kính trọng, ngưỡng mộ các danh nhân của thế giới, không phân biệt họ thuộc tôn giáo nào, vô thần hay hữu thần, là người phương Đông hay người phương Tây... Người đã chắt lọc, rút ra những giá trị tư tưởng lớn lao ở họ để kế thừa và phát triển. Từ Phật Thích Ca (Siddartha Gautama), Khổng Tử (Confucius), Chúa Giê-su (Jesus Christ) đến Các Mác (Karl Marx), Tôn Dật Tiên (Sun Yat Tsen)… Hồ Chí Minh đều coi họ là những vĩ nhân của lịch sử, những bậc thầy mà Người nguyện là người học trò nhỏ của các vị ấy.

2- Chủ trương, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với tín ngưỡng, tôn giáo.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng cũng như trong lãnh đạo việc quản lý xã hội và điều hành đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm đến tôn giáo và có chính sách tín ngưỡng, tôn giáo đúng đắn và phù hợp với từng giai đoạn của cách mạng.

Năm 1986, Việt Nam bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới đất nước. Đến năm 1990, Đảng Cộng sản Việt Nam có sự đổi mới trong chính sách đối với tôn giáo qua Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 16-10-1990 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI) "Về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới". Sau 13 năm thực hiện chính sách đổi môi đối với tôn giáo, tổng kết thực tiễn, đồng thời xem xét những vấn đề mới nẩy sinh, trong bối cảnh trong nước và thế giới có nhiều thay đổi quan trọng, ngày 12-3-2003, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) đã ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TW về công tác tôn giáo. Văn kiện đã trở thành nền tảng chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với tôn giáo trong thời kỳ đổi mới. Tư tưởng của Nghị quyết 25 được thể hiện qua các nội dung chủ yếu sau:

Hoạt động tôn giáo và công tác tôn giáo trong giai đoạn mới phải nhằm tăng cường đoàn kết đồng bào các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật. Các tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, bình đẳng trước pháp luật.

Đảng và Nhà nước Việt Nam thực hiện nhất quán chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau; đoàn kết đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo. Đại đoàn kết toàn dân tộc với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là điểm tương đồng để gắn bó đồng bào các tôn giáo với sự nghiệp chung. Mọi công dân không phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo đều có quyền và nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Động viên đồng bào nêu cao tinh thần yêu nước, ý thức bảo vệ độc lập và thống nhất Tổ quốc; thông qua việc thực hiện tốt các chính sách kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng, bảo đảm lợi ích vật chất và tinh thần của nhân dân nói chung, trong đó có đồng bào các tôn giáo.

Giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực của truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh những người có công với Tổ quốc và nhân dân. Nghiêm cấm sự phân biệt đối xử với công dân vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời, nghiêm cấm lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động mê tín dị đoan, hoạt động trái pháp luật và chính sách của Nhà nước, kích động chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, gây rối, xâm phạm an ninh quốc gia.

Công tác tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, có liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và nhiều cấp, nhiều ngành vì cuộc sống tinh thần và vật chất của hàng chục triệu tín đồ, chức sắc, nhà tu hành của các tôn giáo, phân bố ở mọi vùng, miền, địa phương trong cả nước.

Mọi tín đồ đều có quyền tự do hành đạo tại gia đình và cơ sở thờ tự hợp pháp theo quy định của pháp luật. Các tổ chức tôn giáo được Nhà nước thừa nhận được hoạt động theo pháp luật và được pháp luật bảo hộ, được hoạt động tôn giáo, mở trường đào tạo chức sắc, nhà tu hành, xuất bản kinh sách và giữ gìn, sửa chữa, xây dựng cơ sở thờ tự tôn giáo của mình theo đúng quy định của pháp luật. Việc truyền đạo cũng như mọi hoạt động tôn giáo khác đều phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; không được lợi dụng tôn giáo tuyên truyền tà đạo, hoạt động mê tín dị đoan, không được ép buộc người dân theo đạo cũng như bỏ đạo.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 4-2006) tiếp tục khẳng định: "Đồng bào các tôn giáo là bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết dân tộc. Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo tôn giáo của công dân, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo pháp luật. Đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau, đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo. Phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo. Động viên, giúp đỡ đồng bào theo đạo và các chức sắc tôn giáo sống "tốt đời, đẹp đạo". Các tổ chức tôn giáo hợp pháp hoạt động theo pháp luật và được pháp luật bảo hộ. Thực hiện tốt các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, văn hoá của đồng bào các tôn giáo. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác tôn giáo. Đấu tranh ngăn chặn các hoạt động mê tín dị đoan, các hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo làm phương hại đến lợi ích chung của đất nước, vi phạm quyền tự do tôn giáo của công dân"(6).

TG


-------------------

(1), (2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, H, 1995, t.4, tr.20, 9.

(3) Sđd, t.9, tr.176.

(4) Sđd, t.6, tr.225.

(5) Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Nxb CTQG, H, 1993, t.3, tr.15.

(6) ĐCSVN : Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H, 2006, tr.122-123.

LTS

Văn hóa chính trị Việt Nam trong thời kỳ đổi mới

“Chính trị là một lĩnh vực hoạt động rộng lớn và hết sức quan trọng, nó quyết định vận mệnh của đất nước và sự phát triển của xã hội và con người. Trình độ xử lý các tình huống chính trị một cách khoa học và nghệ thuật không chỉ đem lại sự độc lập và ổn định chính trị mà còn là điều kiện cho việc phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, phát triển con người, xây dựng và phát triển đất nước. Bản chất chính trị, lý tưởng chính trị, trình độ hoạt động chính trị hướng tới một xã hội nhân đạo, nhân văn, tất cả vì sự phát triển và tiến bộ của xã hội và con người, nói lên văn hóa chính trị của một nền chính trị” [1].
1. Văn hóa chính trị được hiểu thế nào?
Văn hoá chính trị, với tư cách là một loại hình của văn hoá là khái niệm nói về sự thẩm thấu của văn hoá vào chính trị, là chính trị có tính văn hoá. Như vậy, văn hoá chính trị không phải là bản thân chính trị, bản thân văn hoá, hay là sự cộng gộp giản đơn hai lĩnh vực này, mà đó là chính trị bao hàm tính văn hoá từ bản chất bên trong của nó. Biểu hiện của văn hoá chính trị thể hiện ở hai phương diện cơ bản:
Một là, chính trị với ý nghĩa là chính trị dân chủ, tiến bộ phải hướng tới mục đích cao nhất là vì con người, giải phóng con người, tôn trọng quyền con người, tạo điều kiện cho con người phát triển tự do, toàn diện, hài hoà. Đây là tính nhân văn sâu sắc của một nền chính trị có văn hoá.
Hai là, những tư tưởng chính trị tốt đẹp không phải là những ý niệm trừu tượng mà phải thiết thực, cụ thể, có khả năng đi vào cuộc sống. Nghĩa là nó phải thấu triệt trong hệ tư tưởng chính trị, thể hiện qua đường lối chính sách của đảng cầm quyền và nhà nước quản lý, trong ứng xử và trong việc triển khai các kế hoạch cụ thể nhằm phát triển xã hội và phục vụ cuộc sống của cá nhân cũng như của cộng đồng xã hội.
Văn hoá chính trị làm cho sự tác động của chính trị đến đời sống xã hội giống như sức mạnh của văn hoá. Đó là loại sức mạnh không dựa vào quyền lực hay ép buộc mà thông qua cảm hoá, khơi dậy tinh thần sáng tạo, ý thức tự giác của các tầng lớp xã hội. Việc xây dựng văn hoá chính trị phải chú trọng đồng thời cả ba phương diện: giá trị xã hội được lựa chọn, năng lực chính trị và trình độ phát triển về văn hóa chính trị của chủ thể chính trị.
2. Những yếu tố làm nên nét đặc sắc của văn hoá chính trị Việt Nam
Một là, về lịch sử, văn hoá chính trị Việt Nam được hình thành và phát triển trong quá trình hình thành ý thức dân tộc, quốc gia, kết tinh thành truyền thống dựng nước và giữ nước của các thế hệ người Việt Nam. Ý thức độc lập dân tộc, tự lực tự cường, tinh thần yêu nước, đoàn kết cộng đồng đã trở thành nội dung bền vững mang tính truyền thống của văn hoá chính trị Việt Nam.
Hai là, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, nền văn hiến quốc gia, tinh thần yêu nước, đoàn kết, phát huy nội lực, sức mạnh của mọi tầng lớp nhân dân, gắn liền với việc coi trọng, tôn vinh hiền tài đã tạo nên sức sống của văn hoá chính trị, và, khả năng phát huy những truyền thống, giá trị tốt đẹp đó của dân tộc đã tạo nên “độ cao” của văn hoá chính trị.
Ba là, tôn trọng đạo lý, tôn trọng chính nghĩa, bảo vệ công lý, quật cường dân tộc, nhưng nhân ái, khoan dung, độ lượng, vị tha. Những nét đẹp đó đã tác động, ảnh hưởng, làm cho văn hóa chính trị Việt Nam mang tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc.
Bốn là, do đặc điểm của địa chính trị nước ta, nên văn hoá chính trị Việt Nam có nột nét nổi bật là phải sáng tạo. Nhờ khả năng sáng tạo mà bản sắc văn hoá dân tộc dã được giữ vững và phát triển qua các thời kỳ. Đặc biệt, tính sáng tạo này càng thể hiện rõ nét khi đất nước, dân tộc đứng trước những thời điểm khó khăn, quyết định vận mệnh của dân tộc. Chính nét sáng tạo ấy đã đem lại một tầm vóc, một vẻ đẹp văn hoá của nền chính trị Việt Nam.
Bên cạnh những nét đẹp đó, cũng cần nhận thấy rằng, do nước ta xuất phát là một nước nông nghiệp lạc hậu, lại trải qua quá nhiều các cuộc chiến tranh giữ nước, vì thế những yếu tố như tâm lý tiểu nông khá đậm, kinh nghiệm chủ nghĩa, triết lý chung chung, thiếu tính khách quan và cơ sở khoa học vững chắc, dễ hài lòng với mình, tâm lý chạy theo thành tích, “bệnh” hình thức..., nếu như không được hạn chế, khắc phục kịp thời, sẽ có tác động tiêu cực, bào mòn dần sức sống và khả năng sáng tạo của văn hoá chính trị Việt Nam.
3. Văn hóa chính trị thể hiện trong sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam
Xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là mục tiêu mang đậm tính văn hóa chính trị nhân văn sâu sắc, mà đất nước ta, nhân dân ta vươn tới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng duy nhất cầm quyền ở nước ta.
Nét văn hóa chính trị trong sự lãnh đạo của Đảng được thể hiện ở các khía cạnh sau:
Thứ nhất, về lựa chọn giá trị, Đảng ta khẳng định để xây dựng nền văn hóa chính trị Việt Nam tiên tiến, hiện đại, cần kế thừa các giá trị văn hóa chính trị truyền thống tốt đẹp được kết tinh qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, kế thừa các giá trị văn hóa chính trị tinh hoa của các nước trên thế giới, trên cơ sở lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động. Chính vì cách lựa chọn giá trị như vậy nên trong bối cảnh các nước xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ vào thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX, Đảng ta vẫn kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đồng thời chủ trương thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước. Đảng cũng khẳng định chúng ta “đổi mới” nhưng tuyệt đối không "đổi màu". Bản chất nền chính trị của chúng ta là khoa học, cách mạng, dân chủ và nhân văn. Đó là nền chính trị phấn đấu vì hạnh phúc của nhân dân, hướng tới mục đích "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh". Mục tiêu ấy không chỉ phù hợp với nguyện vọng của đông đảo nhân dân Việt Nam, của lý tưởng xã hội xã hội chủ nghĩa, mà còn là mục tiêu cao đẹp mà nhân loại tiến bộ hướng tới.
Thứ hai, trong đường lối xây dựng và phát triển kinh tế, Đảng chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Việc xây dựng một nền kinh tế thị trường là một tất yếu kinh tế khách quan, bởi kinh tế thị trường kích thích sự phát triển kinh tế, phát huy sức sản xuất, khơi dậy tính năng động, sáng tạo của con người, tính hiệu quả trong việc sử dụng hợp lý các nguồn lực...Tuy nhiên, kinh tế thị trường cũng có rất nhiều mặt trái, đó là sự cạnh tranh tàn khốc “cá lớn nuốt cá bé"; tạo ra sự bất công, bất bình đẳng, phân hóa giàu nghèo, phân cực trong xã hội; khai thác cạn kiệt môi trường, tài nguyên vì mục tiêu lợi nhuận kinh tế thuần túy; làm băng hoại nhiều giá trị đạo đức tốt đẹp; làm quan hệ con người với con người trở nên sòng phẳng, lạnh lùng hơn; làm phai nhạt những giá trị văn hóa truyền thống... Việc Đảng ta xác định xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chính là để khắc phục những hạn chế vốn có của nền kinh tế thị trường. Đây là khía cạnh văn hoá của tăng trưởng kinh tế: tăng trưởng phải gắn liền với việc đảm bảo quyền lợi của đa số nhân dân lao động, với tiến bộ và thực hiện công bằng xã hội.
Thứ ba, trong việc xây dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Việc khẳng định quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân đã được ghi trong Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam 1992. Văn kiện Đại hội lần thứ IX của Đảng chỉ rõ: "Nhà nước ta là công cụ chủ yếu để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, là Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Quyền lực của nhà nước là thống nhất là của dân, không phân chia nhưng có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật. Mọi cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, mọi công dân có nghĩa vụ chấp hành Hiến pháp và pháp luật" [2]. Việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta là hợp quy luật phát triển của lịch sử vì "suy cho cùng chính là nhằm thực hiện dân chủ. Pháp luật của Nhà nước ta luôn luôn là công cụ mạnh mẽ và có hiệu lực đối với việc dân chủ hoá mọi mặt của đời sống xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá - xã hội..." [3].
Tinh thần dân chủ trong tư duy chính trị của Đảng được thể hiện rất rõ ở tư tưởng lấy “dân làm gốc”, và, “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Một nền chính trị nhân văn phải là nền chính trị tôn trọng quyền lợi của đa số nhân dân, thực sự do dân làm chủ, nhà nước là cơ quan được ủy quyền để thực thi quyền lực nhân dân, để thực hiện lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Những bước tiến trong nhận thức lý luận và tư duy chính trị của Đảng được thể hiện rõ trong hàng loạt các văn kiện ban hành trong thời kỳ đổi mới. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) đã chính thức sử dụng khái niệm "hệ thống chính trị". Hệ thống chính trị của chúng ta được vận hành theo cơ chế: "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ".
Để tăng cường vai trò của Nhà nước và sự nghiêm minh của pháp luật, Nhà nước đã ban hành nhiều luật khác nhau, nhằm làm cho mọi người sống và làm việc theo pháp luật. Chủ trương cải cách bộ máy hành chính, trưng cầu ý kiến rộng rãi của nhân dân, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội chính là những bước tiến đáng chú ý của văn hoá chính trị trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.
Thứ tư, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ quốc tế. Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác. Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực. Phát triển quan hệ với tất cả các nước, các vùng lãnh thổ trên thế giới và các tổ chức quốc tế theo các nguyên tắc: tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực; giải quyết các bất đồng và tranh chấp thông qua thương lượng hòa bình; tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và cùng có lợi. Với đường lối và chính sách đối ngoại rộng mở đó đến nay, chúng ta đã thiết lập quan hệ kinh tế - thương mại với trên 170 quốc gia, nền kinh tế, đã ký kết khoảng 60 hiệp định kinh tế - thương mại song phương, trong đó có toàn bộ các nước, nền kinh tế phát triển, thị trường lớn. Chúng ta ngày càng hoạt động tích cực và hiệu quả, nâng cao vị thế đất nước trong các thể chế hợp tác quốc tế.
Thứ năm, xác định “xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt”. Để lãnh đạo đất nước nắm bắt cơ hội, vượt qua khó khăn, đạt được mục tiêu cao cả đã đề ra, Đảng - người lãnh đạo đất nước, phải có một đội ngũ cán bộ có văn hóa chính trị cao, có trình độ và khả năng thực hiện các nội dung chính trị một cách văn hóa. Chính vì thế, Đảng luôn tiến hành đổi mới và chỉnh đốn Đảng, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, giữ vững sự đoàn kết và uy tín của Đảng trong nhân dân. Bản chất văn hoá chính trị tiến bộ cũng xa lạ với tệ quan liêu, tham nhũng, xa hoa, lãng phí. Trong những năm đổi mới vừa qua, Đảng ta đã tiến hành đổi mới và chỉnh đốn Đảng, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, giữ vững sự đoàn kết và uy tín của Đảng, củng cố, và giữ vững niềm tin trong nhân dân. Văn kiện Đại hội VII của Đảng khẳng định: "Đảng ta coi việc tự đổi mới, tự chỉnh đốn và nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng là yêu cầu quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng, là công việc thường xuyên bảo đảm cho Đảng ta luôn ngang tầm nhiệm vụ cách mạng" [4].
Tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân, coi trọng phản biện xã hội, mở rộng dân chủ trong tất cả các lĩnh vực, xây dựng và từng bước hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa... đã tạo nên những tiền đề, động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp đổi mới ở nước ta ngày càng tiến triển mạnh mẽ.
Phát huy những thành tựu đã đạt được, vượt qua những khó khăn, thách thức trong quá trình hội nhập quốc tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, thực hiện tốt an sinh xã hội, giải quyết những tồn đọng, những vấn đề gây bức xúc trong dân hiện nay..., sẽ là những yếu tố quan trọng để nâng cao hơn nữa tính văn hóa chính trị trong sự lãnh đạo của Đảng,để Đảng xứng đáng với tên gọi: "Đảng ta là đạo đức, là văn minh”./.

Phạm Huy Kỳ
TS, Học viện Báo chí và Tuyên truyền

________________________________________
[1] Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, "Bước đầu tìm hiểu những giá trị văn hóa chính trị truyền thống Việt Nam", ngày 28-4-2009.

[2] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb CTQG, H, 2001, tr.31-32.
[3] Nguyễn Duy Quý: Đổi mới tư duy và công cuộc đổi mới ở Việt Nam, Nxb KHXH, H, 2008, tr.143.
[4]] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Sự thật, H., 1991, tr.128-129